Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Bài của báo : BÁO GDVN BỊ PHẠT 50 CHIỆU VÌ...

GHẾ CAO + VĂN HÓA LÙN = ?

 Cổ nhân có câu “ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát”, mới điểm qua sơ sơ đã có hơn ba ông “thợ da đầu tỉnh” vậy thì đất nước sẽ có bao nhiêu “Ra cát”?

Vụ Chủ tịch tỉnh Nghệ An huy động toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh vận động người dân tiêu thụ bia do các nhà máy trong tỉnh sản xuất và vụ chín vị lãnh đạo tỉnh này động thổ xây ngôi nhà ba gian cấp 4 có thể chưa làm dư luận đủ sốc. Ngày 14/5/2014 thêm một vị Phó Chủ tịch thường trực tỉnh (Quảng nam) ký văn bản không đúng và “Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành tự kiểm tra, hủy bỏ nội dung chưa phù hợp tại Công văn số 1747/UBND-KTN; thông báo kết quả xử lý sau 30 ngày”. [1] Có điều dù sốc thì người ta vẫn có thể “tạm tha” vì người dân chưa thực sự biết hết năng lực lãnh đạo của các bác ấy.

Chuyện ông Lê Thanh Cung, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (BD), Bí thư Ban cán sự Đảng trả lời phỏng vấn mà VTC News đăng tải ngày 29/10/2013 [2] thì mới thực sự khiến dư luận phải đặt câu hỏi về trình độ cấp Chủ tịch tỉnh của nước nhà.

Không biết có phải vì không được “đào tạo bài bản” hay vì nguyên nhân nào khác mà vị Chủ tịch tỉnh này ngang nhiên khẳng định với báo chí rằng  “tôi là người điều hành Nhà nước”?


Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Cung trình độ văn hóa 12/12, không thấy nói ông có bằng lý luận chính trị cao cấp như thông lệ?

Những người học đại học đều được học khá kỹ một số môn thuộc lĩnh vực chính trị và đều hiểu bộ máy Nhà nước được cấu thành bởi ba hệ thống:

1. Hệ thống các cơ quan lập pháp (các cơ quan quyền lực Nhà nước) bao gồm Quốc hội (hoặc Nghị viện) và các hội đồng địa phương.

2. Hệ thống các cơ quan hành pháp (các cơ quan hành chính Nhà nước) bao gồm Chính phủ (hay Nội các), các Bộ và cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các chính quyền địa phương.

3. Hệ thống các cơ quan tư pháp bao gồm các cơ quan xét xử (tòa án) và cơ quan kiểm sát (viện Kiểm sát).

Chủ tịch một tỉnh nghĩa là đứng đầu chính quyền địa phương cấp tỉnh, cũng nghĩa là thuộc hệ thống hành pháp. Khi ông Cung tự cho mình quyền “điều hành Nhà nước”, nghĩa là ông nắm tất cả lập pháp, hành pháp và tư pháp không phải chỉ ở Bình Dương mà là toàn bộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thế thì chắc ông phải là “con giời” chứ không phải là con người.

Nói ông điều hành “toàn bộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” không phải là vu vạ (như ông Cung nói về ông Dũng “lò vôi”) mà là dựa trên các “đặc trưng cơ bản của Nhà nước”.

Khái niệm Nhà nước theo thông lệ quốc tế bao gồm bốn đặc trưng cơ bản: nhân dân (people), lãnh thổ (territory), chủ quyền (sovereignty) và chính phủ (government).

Nhà nước là chủ thể gắn luôn gắn với chủ quyền và quyền lực, quyền lực của Nhà nước là tuyệt đối và không có giới hạn về thời gian, chỉ  Nhà nước mới có quyền ban hành luật. Trong khi đó Chính phủ không có chủ quyền: quyền lực của Chính phủ là do Hiến pháp quy định, giới hạn trong từng nhiệm kỳ.

Vậy khi ông Cung tuyên bố ông “là người điều hành Nhà nước” thì có nghĩa là ông điều hành cả nhân dân, lãnh thổ, chủ quyền và Chính phủ, vậy chắc ông phải cao hơn cả Quốc hội lẫn Thủ tướng, vậy thì nhân dân phải gọi ông là “Bệ hạ” mới phải phép?

May mắn là ông mới học lớp 12, nếu ông mua thêm được cái bằng tiến sĩ thì có lẽ ông phải sẽ đòi điều hành cả thiên đình!

Phóng viên VTC hỏi ông Cung: “Thưa ông, việc ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo ông lên Thủ tướng Chính phủ đang gây xôn xao dư luận. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vụ việc này”, câu trả lời là: “Cái việc Dũng tố cáo tôi là chuyện của riêng doanh nghiệp”.

Một Chủ tịch tỉnh trả lời báo chí mà gọi người khác chỉ có tên “Cái việc Dũng tố cáo…” cho thấy nếu không phải là trả lời VTC, nếu ông đi trên đường Bình Dương thì tất cả người dân đều sẽ là “con”, là “thằng”, ông là “con giời” thì còn sợ ai nữa, chỉ có điều những người không học hành như ông thì lại rất muốn bỏ chữ “ơ” trong từ “giời” mà thay bằng chữ “o”.

Đến những câu trả lời sau thì mới thấy được “văn hóa Chủ tịch tỉnh BD” là như thế nào:

VTC News: Nhưng ông Dũng trước đây từng là Đại biểu Quốc hội?

Ông Cung: Đại biểu Quốc hội nhưng bị người ta gạt ra mất rồi, chỉ có hơn 1 nhiệm kỳ là người ta cho ra rồi, không còn nữa. Người ta thấy không đủ tiêu chuẩn nên không đưa ra ứng cử nữa thôi.

VTC News: Ông Dũng cũng có công trạng, đầu tư nhiều cho tỉnh Bình Dương?

Ông Cung: Ông Dũng sống được cũng nhờ “xương”, “máu” của tỉnh Bình Dương chứ. Nhờ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương, ông Dũng mới có tài sản như hiện nay chứ ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi.

Xin gác lại không nói thêm về “văn hóa” của người trả lời VTC News, bởi nói thêm lại sợ phải dùng các từ thiếu văn hóa. Ở đây chỉ muốn nói đến khía cạnh “chính trị”. Ông Cung nói: “Người ta thấy không đủ tiêu chuẩn nên không đưa ra ứng cử nữa thôi”.

Tại sao “Người ta” lại có quyền không cho người khác ứng cử đại biểu quốc hội”? “Người ta” ở đây là ai? Chắc chắn không phải là nhân dân, chắc chắn là phải có thực quyền mới làm được cái việc vượt qua cả Hiến pháp.

Xin nhắc lại điều 27 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Toàn bộ 5 khoản trong điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nói về “Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội”  không hề có quy định nào nói rằng một công dân (không bị tước quyền công dân) lại không được phép ứng cử đại biểu quốc hội chỉ vì “Người ta không đưa ra ứng cử”.

Bằng câu nói của mình, ông Cung đã  bôi nhọ nghiêm trọng luật pháp và chủ trương của Đảng về sự tự do, bình đẳng của công dân trong xã hội dân sự.

Vấn đề không phải chỉ dừng ở chuyện giữa ông Cung và ông Dũng, vấn đề còn liên quan đến chủ trương của tỉnh Bình Dương về công ty Becamex Bình Dương mà ông Cung hết lòng bảo vệ.

Ngày 1/7/2011 Tuanvietnam.net có bài: “Phố người Hoa ở Việt Nam, chính sách hay tầm nhìn?”, tòa soạn đã đưa vào bài báo một bức ảnh minh họa về “khu phố xây dựng riêng cho người Hoa” mà lãnh đạo Bình Dương cho phép Becamex thực hiện. [3]
Đông Đô Đại Phố là khu phố được xây dựng dành riêng cho người Hoa

Khi Tuầnviệtnam/Vietnamnets đưa tin về sự kiện này, lập tức bị Becamex Bình Dương phản pháo: “Công ty Becamex IJC  "phản đối việc suy diễn những thông tin về định hướng phát triển dự án theo các hướng khác ngoài hướng thương mại và dịch vụ vừa kể trên".

Cực chẳng đã Tuầnviệtnam buộc phải truy cập vào trang web của chủ đầu tư và nhận được thông tin: “...Đông Đô Đại Phố là dự án khu đô thị thương mại đầu tiên dành cho người Hoa tại thành phố mới Bình Dương, được xây dựng trên tổng diện tích rộng 26ha, với tổng vốn đầu tư hơn 6,5 nghìn tỉ đồng chia thành nhiều phân khu chức năng như nhà phố, văn phòng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại”. [4]

Chủ tịch tỉnh như thế hèn gì một công ty nhà nước trong tỉnh lại dám khinh nhờn công luận, kể cả khi Vietnamnet là tờ báo thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông!

Cũng trên VCT News ngày 07/07/2010 còn có bài “Chủ tịch tỉnh Hà Giang thừa nhận 4 ảnh khỏa thân”. Những ảnh này là do một phụ nữ qua đêm với ông Nguyễn Trường Tô tại một khách sạn ở Hà Nội chụp bằng điện thoại di động.

Ủy ban Kiểm tra TƯ đã “đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Tô bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng, đề nghị cấp có thẩm quyền bãi nhiệm đại biểu HĐND và cách chức chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Bí thư Tỉnh ủy và giám đốc Công an tỉnh phải kiểm điểm trước Tỉnh ủy về việc này một cách nghiêm khắc”. [5]

Cổ nhân có câu “ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát”, mới điểm qua sơ sơ đã có hơn ba ông “thợ da đầu tỉnh” kiểu như ông Tô, ông Cung, vậy thì đất nước sẽ có bao nhiêu “Ra cát”? Phải chăng vì thế mà Tuoitre.vn cho rằng “Ba Gia cát lượng ngồi với nhau thành một thợ giầy”?

Một đất nước với những “thợ giầy chủ tịch” như vậy người dân không khổ, không oan mới là chuyện lạ. Những câu nói của ông Cung xứng đáng được đưa vào sách kỷ lục guinness bởi sau ông Cung, khi mà người ta đã “nghiêm túc rút kinh nghiệm” thì khó mà tìm được người thứ hai. Đến đây thì chắc bạn đọc sẽ tìm được từ thật chuẩn để thay cho dấu “?” trong tít bài, người viết tin là như vậy./.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bo-Tu-phap-tuyt-coi-van-ban-cua-Chu-tich-tinh-Nghe-An-post151080.gd

[2]http://vtc.vn/chu-tich-tinh-binh-duong-bi-to-cao-ong-dung-bia-dat-lua-dao.2.458141.htm

[3] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-29-pho-nguoi-hoa-o-viet-nam-chinh-sach-hay-tam-nhin-

[4] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-30-pho-nguoi-hoa-va-ly-luan-cua-chu-dau-tu

[5] http://vtc.vn/chu-tich-tinh-ha-giang-thua-nhan-4-anh-khoa-than.2.253297.htm

Xuân Dương

Nguồn GDVN
________________________
THEO ĐÓ :

Báo Giáo dục Việt Nam đính chính bài "Ghế cao + văn hóa lùn= ?"

(GDVN) - Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng, yêu cầu gỡ bỏ bài viết và đính chính theo quy định
Quyết định này do bà Đỗ Thị Tình - Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông ký, áp dụng hình thức xử phạt 50 triệu đồng và buộc gỡ bỏ bài báo trên.
Mức xử phạt trên được áp dụng "Quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 8, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Nghiêm túc thực hiện Quyết định này của Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Giáo dục Việt Nam đã thực hiện gỡ bỏ bài viết và tiến hành nộp phạt.
Nay Báo Giáo dục Việt Nam cải chính bài viết như sau: 
Căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính mà Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông lập ngày 19/11 thì: "Trên Báo Giáo dục Việt Nam ngày 17/10/2014 có đăng bài viết "Ghế cao + Văn hóa lùn = ?" trong bài viết có một số nội dung áp đặt, suy diễn như: "Chuyện ông Lê Thanh Cung, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Bí thư Ban cán sự Đảng trả lời phóng vấn mà VTC News đăng tải ngày 29/10/2013 thì mới thực sự khiến dư luận phải đặt câu hỏi về trình độ cấp Chủ tịch tỉnh nước nhà...một đất nước với những "thợ giày Chủ tịch tỉnh" như vậy người dân không khổ, không oan mới là chuyện lạ" gây hoài nghi trong xã hội".
Hành vi này được xác định là thông tin sai sự thật, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Đối với các nội dung này, Báo Giáo dục Việt Nam xin được cải chính rõ ràng như sau: Bài viết là các thông tin liên quan đến hai trường hợp cụ thể ở tỉnh Hà Giang và Bình Dương đã được các báo chính thống trên cả nước đăng tải. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khác trên cả nước không liên quan đến những nội dung này.
Báo Giáo dục Việt Nam chân thành cáo lỗi cùng các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh và bạn đọc bởi thông tin gây hoài nghi trong xã hội nêu trên.
Ngoài ra, Ban biên tập Báo Giáo dục Việt Nam đã họp, nghiêm túc xem xét mức độ vi phạm và rút kinh nghiệm đối với Ban biên tập, cán bộ phụ trách, phóng viên, ban thư ký đã để xảy ra sai sót này.
Quyết định xử phạt của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Báo Giáo dục Việt Nam
Trong những ngày gần đây, còn có một loạt các cơ quan báo chí, truyền hình bị xử phạt.
Trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết:
Đài truyền hình Việt Nam bị phạt 30 triệu đồng vì phát sóng câu chuyện "Nhặt xương cho thầy" trong chương trình "Quà tặng cuộc sống" tối 19/11.
Trong ngày 19 và 20 còn có 4 tờ báo khác bị xử phạt vì đăng bài "Hà Nội đứng top 10 thế giới về nạn... móc túi" gồm: Báo Thanh niên bị xử phạt 15 triệu đồng, Báo điện tử Một thế giới bị xử phạt 6 triệu đồng, Báo Tri thức trực tuyến bị xử phạt 10 triệu đồng và Infonet (Cơ quan trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) bị xử phạt 10 triệu đồng.
Quyết định nói rõ, ngày 30/10/2014, báo điện tử Thanh Niên đăng bài "Hà Nội đứng vào top 10 thế giới về ... nạn móc túi" có thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh và việc phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô Hà Nội.
Báo điện tử Một Thế giới bị phạt do đăng bài "Khi Hà Nội vào top 10 điểm đen về nạn móc túi trên thế giới" vào ngày 4/11/2014 có chi tiết không chính xác.
Báo điện tử Infonet và Tri thức trực tuyến trong ngày 28/10/2014 đã cùng đăng bài "Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về... nạn móc túi", nhưng có tình tiết giảm nhẹ là đã kịp thời gỡ bỏ ngay tin bài khi phát hiện ra sai sót và thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định; Ban Biên tập Báo thành thật kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 21/10, có thêm 3 tòa báo bị xử phạt vi phạm hành chính gồm Báo điện tử VOV; Báo An ninh thủ đô và Báo Năng lượng mới: 
Trong đó, Báo Năng Lượng Mới (chủ quản của trang tin điện tử tổng hợp petrotimes.vn) bị xử phạt 40 triệu đồng vì hai hành vi vi phạm. Đó là, trang tin petrotimes.vn đã đăng bài “Liên tiếp các vụ giết người chặt xác, điều man rợ gì đang diễn ra” vào ngày 7/10/2014 có chi tiết không chính xác, vi phạm này bị xử phạt 25 triệu đồng. Đồng thời, Năng Lượng Mới cũng bị phạt 15 triệu đồng vì không cung cấp nội dung trên trang thông tin điện tử tổng hợp petrotimes.vn đúng với giấy phép đã được cấp.
Báo điện tử VOV bị phạt 15 triệu đồng vì đăng bài viết “Rúng động vụ thi thể bị chặt làm 3 khúc vứt ven đường ở TPHCM” ngày 5/10 có chi tiết không chính xác.
Báo An ninh Thủ đô cũng bị phạt 15 triệu đồng vì đăng bài viết “Kinh hãi phát hiện thi thể bị chặt khúc vứt phi tang trước cổng khu CN” ngày 5/10/2014 có chi tiết không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn GDV
N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét