Việt nam tài tình tái sinh trực thăng bại trận của Mỹ
Trực thăng UH-1 đã được Việt Nam tái sinh một cách tài tình và tiếp tục những chuyến bay bảo vệ bầu trời Tổ quốc và tham gia cứu hộ cứu nạn.
Trực thăng UH-1 đã được Việt Nam tái sinh một cách tài tình và tiếp tục những chuyến bay bảo vệ bầu trời Tổ quốc và tham gia cứu hộ cứu nạn.
UH-1 là loại trực thăng quân sự đa năng, nổi tiếng có sức sống bền bỉ nhất khi vẫn hoạt động cho tới ngày nay. UH-1 do hãng Bell chế tạo, nó thường được biết dưới tên là Huey. UH-1 Huey được phát triển vào năm 1955 với bản thử nghiệm Bell 204.
Chiếc máy bay được sử dụng trong quân đội Mỹ vào năm 1959 và đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1962 dưới tên UH-1. Chiếc cuối cùng xuất xưởng năm 1976 với hơn 16.000 chiếc được sản xuất.
Trực thăng UH-1 của Không quân Việt Nam
Trong chiến tranh Việt Nam, trực thăng UH-1 một thời đã đóng vai trò chủ lực trong chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ với hình ảnh những chiếc UH-1 bay rợp bầu trời miền Nam. Sau đó, chiến thuật này đã bị quân và dân miền Nam đánh bại hoàn toàn. Mỹ đã sử dụng tổng số 7.013 chiếc UH-1 thì có đến 3.305 chiếc bị bắn hạ, 5.086 chiếc bị mất vì mọi lý do, 1.074 phi công cùng 1.103 binh lính đi kèm thiệt mạng.
Việt Nam “tái sinh" UH-1 một cách diệu kỳ
Sau 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam thu được 50 chiếc UH-1 nguyên vẹn, cán bộ kỹ thuật nhanh chóng phục hồi hoạt động để phục vụ bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Ngay từ khi quân Khmer đỏ mở cuộc tấn công biên giới Tây Nam nước ta, các trực thăng UH-1 tham gia hỗ trợ hỏa lực những trận đánh đầu tiên. Tới cuộc chiến bảo vệ nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, UH-1 liên tục có mặt cùng Mi-24, Mi-8 hỗ trợ hỏa lực quân tình nguyện Việt Nam.
Những chiếc UH-1 của Mỹ bay rợp trời miền Nam Việt Nam trước năm 1975
Theo tính toán của các chuyên gia quân sự, sau chiến tranh chống Mỹ, trực thăng UH-1 đã được Việt Nam cho xuất kích thêm vài nghìn lần nữa, bắn hàng nghìn quả tên lửa, hàng trăm nghìn viên đạn.
Đặc biệt, đầu tháng 1.1976, trung đoàn không quân 917 nhận nhiệm vụ đưa thiếu tướng Lê Ngọc Hiền (phó tổng tham mưu trưởng) và đoàn cán bộ của Bộ Tổng tham mưu đi thị sát tình hình và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội hải quân trên quần đảo Trường Sa. Chiếc máy bay trực thăng UH-1 của Mỹ số hiệu 60139 đã vinh dự được lệnh đưa xuống tàu ra đảo.
Đến năm 1982, số máy bay UH-1 ngày càng phát sinh hỏng hóc, vật tư thay thế vô cùng khan hiếm. Nhiều vật tư không có nguồn bổ sung dẫn đến tình trạng các xưởng chuyên sửa chữa loại máy bay này hầu như bị tê liệt. Từ năm 1982 trở đi, máy bay UH-1 gần như bị loại khỏi thực lực chiến đấu của Không quân Việt Nam.
“Lấy vũ khí địch đánh địch” là một phương châm xuyên suốt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng sáng tạo phương châm này, chúng ta đã cải tiến được nhiều vũ khí chiến lợi phẩm, biến chúng thành phương tiện phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền.
|
Tới năm 1996, Nhà máy A-41 được Bộ Quốc phòng phê chuẩn kế hoạch khôi phục, sử dụng UH-1. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động vẫn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn phụ tùng không được nhập thẳng từ Mỹ bởi chính sách cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Tưởng chừng, từ thời điểm này UH-1 sẽ khó kéo dài được thời gian hoạt động thì đến cuối tháng 4.2005, ngành Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã dồn sức khôi phục lại những máy bay trực thăng UH-1 để sử dụng cho các mục đích quốc phòng và kinh tế xã hội. Các hệ thống động cơ, thiết bị thông tin, thân vỏ, các cụm van nhiên liệu…được tận dụng thay thế từ những chiếc máy bay đã đưa vào diện thải loại, một số các chi tiết nhỏ được chế tạo mới như gioăng, van dầu, bạc lót, ống dẫn...nhưng vẫn đảm bảo tính đồng bộ.
Sau thời điểm đó, trực thăng UH-1 của Không quân Việt Nam đã có bước tái sinh thần kỳ, tiếp tục những chuyến bay trên bầu trời. Theo các nguồn thông tin khác nhau, sau thời điểm này, đã có khoảng 12 chiếc UH-1 tái trang bị cho Không quân Nhân dân Việt Nam. Tờ Tiexue của Trung Quốc phải thừa nhận rằng đây là một điều kỳ diệu.
Đặc biệt, năm 2009, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút lệnh cấm xuất khẩu trực thăng quân sự cho Việt Nam qua sự vận động lâu dài của tập đoàn Executive Decision Export Services Group. Tuy nhiên, các trực thăng Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam phải được thiết kế cho các công tác chuyên vận hay cứu hộ (SAR).
Máy bay UH-1 sát cánh cùng Mi-17 trong đội hình Lữ đoàn 917
Sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ, Việt Nam đã ký kết các hợp đồng nâng cấp trực thăng UH-1H Huey để giúp hoạt động nhân đạo và cứu hộ cứu nạn. Các hợp đồng này được thực hiện tại Việt Nam dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia và phụ tùng từ Mỹ. Hãng tin Reuters dẫn lời Tướng Mỹ Richard Genaille cho biết số lượng nâng cấp khoảng 15 chiếc với chi phí do Mỹ chi trả nằm trong chương trình củng cố quan hệ an ninh quốc phòng với Việt Nam năm 2010.
Đến nay, những chuyến bay của UH-1 vẫn thường xuyên hiện diện canh giữ bầu trởi Tổ quốc cũng như tham gia cứu hộ cứu nạn. Sức sống bền bỉ của UH-1 càng được đảm bảo khi thời gian gần đây, quan hệ Việt-Mỹ đã có những bươc tiến vượt bậc, hứa hẹn nhiều thành công trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.
UH-1 sử dụng kíp lái 1 đến 4 người, có thể chở được 14 lính, hay 6 cáng, hoặc hàng hoá tương đương. Chiều dài: 17,40 m, chiều rộng: 2,62 m, chiều cao: 4,39 m. Khối lượng rỗng 2.365 kg, khối lượng có tải 4.100 kg, khối lượng cất cánh tối đa: 4.309 kg. Vận tốc cực đại: 217 km/h, vận tốc hành trình: 201 km/h, vận tốc lên cao: 8,92 m/s. Tầm bay: 507 km, trần bay: 5.910 m,
UH-1 có thể bay là là cách mặt đất chưa đến 10m, trên máy bay có 2 khẩu súng miligan 6 nòng (7,62mm) với 12.000 viên đạn, bên 2 cánh treo ), 2 chùm 7 ống đến 19 ống phóng rocket 70 mm. UH-1 còn có 5 thùng dầu mềm với kết cấu đặc biệt, tự bịt lại khi trúng đạn, nên dầu không chảy ra ngoài làm cháy máy bay được. Trực thăng UH-1 rất tiện dụng trong mọi tình huống, nó có thể đáp xuống bất kỳ đâu với một khoảng không cần lớn lắm. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét