Dư luận vừa qua không ngớt tranh cãi xung quanh câu chuyện: Sóng truyền hình quốc gia, lại là kênh khoa giáo, quyết định dành “đất” cho phim 18+, chuyện chưa từng có tiền lệ. Ông có phật ý không, nếu như tôi nói rằng, tôi gần như… đoán được trước câu trả lời, khi đưa ra câu hỏi với một nhà quản lý văn hóa ở ta nói chung?

- Hẳn vì vậy mà tôi hơi do dự một chút trước khi nhận lời trả lời phỏng vấn báo Lao Động. Vì hơn ai hết, tôi cũng đoán được dư luận sẽ nghĩ: Một cán bộ quản lý, lại làm về tuyên giáo… thì nghe chừng khó mà chấp nhận câu chuyện này lắm. Vậy thì tôi cũng xin nói ngay rằng, những ai gần gũi tôi và nhiều đồng nghiệp ở đây, thì có thể nói chắc một điều là chúng tôi không hề thủ cựu, cứng nhắc. Nhưng trong câu chuyện này, quả thực, tôi không muốn bàn luận nhiều mà chờ sự minh xét của dư luận. Bạn hỏi tôi có ủng hộ ý tưởng mới này của VTV không, tôi xin đáp ngay: Không!



 PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương


Lý do vì sao, thưa ông?
- Có dịp được đi khá nhiều nước phát triển, tôi thấy rằng không hẳn lúc nào, ở đâu “tây” cũng thoáng như chúng ta quen nghĩ. Kênh truyền hình, chẳng hạn, trong nhiều gia đình cũng như khách sạn lớn, nhỏ, số lượng kênh truyền hình (cả thu phí lẫn không thu phí), thậm chí, còn ít hơn ở ta rất nhiều.

Và điều quan trọng nhất, như phần đông trong chúng ta đều biết, ở các nước phát triển, trẻ con được giáo dục rất tốt về kỹ năng sống, ý thức tự giác. Để trong những trường hợp cần thiết, tự bản thân các con có được một sự “miễn dịch”, sức đề kháng cần có trước những tác động của sản phẩm văn hóa độc hại mà người lớn khuyến cáo trước đó (nhưng không thể lúc nào cũng có thể đi theo sau lưng các con).

Giáo dục không thể chỉ một chiều. Trong khi đó, phương pháp giáo dục phổ biến ở mình, từ gia đình đến nhà trường lại không khuyến khích được ý thức tự giác ở các con, khiến bọn trẻ khi vào đời thường lúng túng, ngỡ ngàng trước những điều cần quyết định, ngay cả khi chúng đã được quyền quyết định. Lựa chọn một kênh truyền hình thích hợp với lứa tuổi, khi không có sự giám sát thường trực của người lớn (điều vốn chẳng dễ gì với không ít người trong cuộc sống bề bộn ngày hôm nay), do đó, cũng rất cần đến ý thức tự giác này ở trẻ.

Đó là chưa nói đến điều kiện sống, họ và ta cũng khác xa nhau. Ở ta, không phải nhà nào cũng có chỗ ở đủ rộng, có tiện nghi đầy đủ, mỗi thành viên có một phòng riêng hoặc có phòng riêng cho bố mẹ, phòng riêng cho con cái. Tình trạng bố mẹ ngủ chung, sinh hoạt chung, xem truyền hình chung với con cái còn khá phổ biến. Ngay các gia đình có điều kiện, trong phòng trẻ nhỏ có máy thu hình, không ai dám đảm bảo là các cháu sẽ không xem phim người lớn.

 Cho nên, việc VTV có ý định chiếu phim 18+ (trên một kênh truyền hình công cộng, không phải trả tiền), dù là vào giờ (được cho là) trẻ con đã đi ngủ, theo tôi, chưa hẳn đã được coi là một giải pháp an toàn tuyệt đối. Vì lấy gì để đảm bảo rằng, các con khi nhắm mắt là không nghe thấy gì (nếu ngủ chung với bố mẹ), từ “truyền hình thực tế” đến bộ phim 18+ đang được chiếu trên ti vi.

Cũng như, khả năng những bộ phim đó được sao chép, nhân bản sang các phương tiện khác để có thể chiều lòng những khán giả lười thức khuya, là cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy, lấy gì để đảm bảo rằng, các con không xem được chúng, vào một khung giờ khác, lúc người lớn không ở bên cạnh…

Vâng, thì cũng chính vì vậy: Chẳng qua vì đây là sóng truyền hình quốc gia, lại là kênh khoa giáo, “quan trên trông xuống, người ta trông vào” nên mới phải “thổi còi”. Còn thì, ở ngoài kia, còn bao nhiêu lỗ hổng khác như Internet, YouTube, mạng xã hội…, thử hỏi các bậc phụ huynh cũng như nhà quản lý liệu có quản nổi không? Hay là bịt chỗ này lại hở chỗ khác - chẳng quá bằng thừa không, thưa ông?

- Đúng là đã nói đến quản lý, và nhất là còn trong lĩnh vực văn hóa, thì nhất thiết phải là đồng bộ, không thể để phát triển tràn lan, quản lý chập chờn như mấy năm qua. Nói gì thì nói, câu chuyện giáo dục giới tính tốt nhất vẫn nên bắt đầu từ nhà trường và nên làm từng bước, từng bước một. Còn thì, chúng ta cũng đều thừa hiểu rằng, cái gọi là “giáo dục giới tính” ở đây (trong sự liên quan mật thiết đến những từ khóa “hot” như sex, cảnh nóng…), sâu xa ra cũng đều là nhằm vào mục đích câu khách, bán báo, câu quảng cáo mà thôi.

Trước là báo mạng, rồi đến báo in và giờ là lên cả sóng truyền hình. Rồi ngay cả bên sân khấu cũng vậy, tiếng là nghệ thuật ước lệ nhưng vẫn lạm dụng cảnh nóng trần trụi chả kém gì. Nếu như văn học nghệ thuật không thể và không nên sao chép hiện thực một cách thô thiển thì một bài báo cũng cần phải được soi rọi qua lăng kính chứa đựng tính nhân văn và trách nhiệm công dân của một người làm báo.

Tìm cách lôi kéo khán giả hay độc giả bằng cách đấy (mà đích ngắm cuối cùng là doanh thu bán báo, bán vé hay quảng cáo), ở bất kỳ đâu, theo tôi, cũng đều là vội vàng và ấu trĩ. Nếu như không muốn nói, quá cũ rồi, và cả quá dễ đoán nữa, có gì đâu mà phải tò mò!


Để hạn chế các yếu kém vừa nêu, vừa qua, cơ quan quản lý báo chí đã đưa ra một số “án phạt” đối với một số cơ quan báo chí đã cho đăng tải những bài báo “lá cải”, bịa đặt, quá đà, phản cảm, gây bức xúc dư luận… Người thì cho đó là “chiếc roi sắt” cần thiết, người lại cho là hơi quá mạnh tay, cá nhân ông thấy sao?

- Không thể nói đó là phạt mạnh tay được mà có chăng là chỉ vì trước đó chúng ta chưa làm, hoặc làm chưa đúng chức trách mà thôi.
- Xin cảm ơn ông!

Nguồn Lao động