Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

TRẦN VĂN TRUYỀN TỪNG LÀ BỘ ĐỘI ĐÀO NGŨ

http://media.tinmoi.vn/2014/02/25/bnjio.jpg

Dư luận phê phán ông Trần Văn Truyền “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô tài sản”
Trường Sơn – Hồng LĩnhNgười Cao Tuổi 
Ảnh bên:Cổng chính đi vào dinh thự và “dự án gia đình” của ông Trần Văn Truyền đầu tư hơn nửa tỉ đồng.

NQL: Ối cha mẹ ơi. Ông Mãn thì khai man thành tích, ông Truyền là lính đào ngũ .

 “Có được Bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo về dấu hiệu vi phạm chính sách nhà, đất (thực chất là tham nhũng) của ông Trần Văn Truyền, chúng tôi mừng lắm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn bó với Đảng hơn.

Cảm ơn nhóm phóng viên và Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi đã vượt qua mọi sự nghiệt ngã, thể hiện bản lĩnh vững vàng, rất kiên cường, dám đấu tranh chống tham nhũng bằng nghĩa vụ và trách nhiệm công dân với Tổ quốc”. Nhiều cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí, bạn đọc trên mọi miền nhắn tin, điện thoại tới Tòa soạn Báo Người cao tuổi khẳng định như vậy!…

Ông Trần Văn Truyền từng là quân nhân “đào ngũ”…

Theo điều tra của Báo Người cao tuổi tại Bến Tre, ông Trần Văn Truyền xuất thân từ một quân nhân ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 516. Khi ra trận, do trực thăng của địch ruồng bố, chiến sĩ Trần Văn Truyền bỏ ngũ, trốn về làm công tác Đoàn Thanh niên ở huyện Ba Tri. Do “quan hệ” với con gái Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, ông bố vợ tương lai bố trí “chàng rể” làm ở Ban Tổ chức Huyện ủy. Sau này ông Truyền báo cáo tổ chức, do bị thương nên không quay về đơn vị cũ. Vậy ngọn gió nào đưa ông lên chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, rồi lên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre. Ngồi ghế này, lợi dụng lúc Bí thư Tỉnh ủy đi họp Trung ương, ông Truyền “hiến kế” rút ngân sách của Ban Tài chính Quản trị phân phát cho mỗi Tỉnh ủy viên một xe gắn máy Drem II trị giá 20 triệu đồng. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được gấp đôi (40 triệu đồng). Nhiều cán bộ lão thành đã nghỉ hưu gửi đơn tố cáo lên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc ấy và có chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc. Vậy mà ông Truyền vẫn lên giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, rồi lên cao hơn ở ngoài Trung ương. Nhiều cán bộ lão thành ở Bến Tre nhận xét: “Ba Truyền tham nhũng có truyền thống!”. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham ô, vụ lợi, khai man tài sản, dối lừa. Ngay khi Báo Người cao tuổi phát hiện đăng bài báo đầu tiên về ông Trần Văn Truyền thì ông Cao Văn Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre trả lời với báo chí về khu đất 16.567,4m2 của con trai và 8.000m2 đất của con gái ông Truyền mua với nhiều căn nhà ở các nơi, con trai ông Truyền mua rồi “san lấp cải tạo lại, nhà ông Truyền xây cũng nhỏ, đơn sơ, đồ đạc không có gì”. Phát ngôn bao che, đánh lừa dư luận của ông Cao Văn Trọng như thế cũng cần xem xét lại tư cách, cán bộ. Nhân dân Bến Tre ví von ông Trọng “là Lê Lai cứu chúa… chổm”. Khu đất 315m2 ông Truyền làm nhà cho thuê tại số 598 – B5, đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, tuy ông Truyền không có đơn xin cấp đất và cũng không có xác nhận của cơ quan, nhưng ông Huỳnh Văn Be, Chủ tịch UBND tỉnh lúc ấy vẫn biếu không. Con trai ông Be mới chỉ Thiếu úy cũng được bố cấp hàng nghìn mét vuông xây biệt thự. Khu đất này nguyên là ruộng canh tác hợp pháp của một hộ gia đình có 11 nhà giáo, trước giải phóng miền Nam bị chế độ Ngụy quyền chiếm đoạt, sau giải phóng hộ dân này gửi hàng trăm lá đơn xin lại thì ông Huỳnh Văn Be quyết định không trả (11/12 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị xem xét, giải quyết) ông Be giữ lại phân phát cho 10 cán bộ của tỉnh.

Dư luận đặt câu hỏi, bà mẹ nuôi cho ông Truyền có biệt thự ở Quận 9, TP Hồ Chí Minh lại là người nhận ông làm con nuôi vào thời điểm ông làm Tổng TTCP. Con gái ông Truyền được vào làm việc tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí, con rể từ Công an xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Bến Tre) được lên “làm quan” ở Cục Cảnh sát Giao thông phía Nam thuộc Bộ Công an. Con dâu ông được làm đại lí độc quyền bia Sài Gòn trong tỉnh, v.v… Nếu là con thương binh, liệt sĩ, con của những anh hùng liệu có xin được công việc dễ dàng vậy không? Chuyện ông Trần Văn Truyền chui sâu, leo cao để tham nhũng không thể xử lí hành chính như những kẻ ăn cắp chó, ăn cắp xe đạp…? Nhiều cán bộ lão thành bức xúc về công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng và quản lí cán bộ. Ngoài chuyện tham ô tham nhũng, lừa dân, dối Đảng có hệ thống, ông Truyền còn khai man lí lịch khi ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Bến Tre. Tuy chưa có bằng cấp III bổ túc văn hóa, nhưng ông vẫn vào học Đại học Luật Khóa I tại chức ở tỉnh lị Bến Tre, kê khai sơ yếu lí lịch trích ngang “Tốt nghiệp Đại học Luật”. Chúng tôi đến Trường Đại học Luật Hà Nội, được Trưởng khoa Tại chức cho xem sổ lưu thì thấy danh sách 21 học viên không đủ điều kiện thi tốt nghiệp, trong đó có thí sinh Trần Văn Truyền đứng hàng số thứ tự thứ sáu, v.v…

Nỗi trăn trở của người cầm bút chống tham nhũng

Để tìm được căn bệnh “lợi dụng chức vụ quyền hạn tham nhũng” của ông Trần Văn Truyền, theo chỉ đạo của Tổng Biên tập, nhóm phóng viên Báo Người cao tuổi phải tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, vượt qua bao rào cản khắc nghiệt và miệng người cười chê, oán trách mới có được những thông tin chính xác, những tấm ảnh cụ thể. Khó khăn nhất là tất cả nhà, đất với hàng chục sổ đỏ đều do vợ, con ông Truyền đứng tên chủ sở hữu, ở nhiều địa phương nên việc đi lại, xác minh không đơn giản. Chính quyền các địa phương (ngoài tỉnh Bến Tre) không biết tên tuổi vợ, con ông Truyền. Mặt khác, khi phóng viên đề cập tới ông Tổng TTCP thì số đông cán bộ địa phương đều tỏ ý lo sợ, không dám cung cấp thông tin. Đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được câu trả lời việc này “không biết”. Có những người xem chúng tôi là những cây bút chuyên xoi mói chuyện đời tư người khác đã nghỉ hưu.

Trong thời gian trông chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng tôi đã nhận một số tin nhắn hăm dọa, thô tục.

Về Bến Tre thì ông Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tổng thu ngân sách của tỉnh không đủ nuôi riêng ngành Giáo dục. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Bến Tre có 35.376 liệt sĩ, 15.154 thương binh, 1.506 bệnh binh và 2.205 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn tỉnh vẫn còn 31.657 hộ nghèo, chiếm 8,59%. Vậy mà ở vùng đất nghèo khó này lại mọc lên “Vườn phố Thường vụ” do nhiều cán bộ cấp cao của tỉnh lợi dụng Nghị định 61/NĐ-CP tạo lập lên theo “phong trào” tham nhũng tập thể để chiếm nhà mặt tiền rồi bán hoặc cho thuê. Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an tỉnh Hồ Quốc Việt thì tổ chức đường dây làm hộ chiếu giả cho nhiều đối tượng xấu ra nước ngoài dễ dàng. Ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng TTCP xây dựng dinh thự trên vùng đất nghèo khó này.

Trở lại Hà Nội, trên những chuyến bay mây mù dày đặc, trong giấc ngủ chập chờn, chúng tôi cứ bị ám ảnh về khu biệt dinh đồ sộ của ông Truyền đang gặm nhấm sâu vào từng khúc xương tủy của hàng triệu liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cựu Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, 65 năm tuổi Đảng cho biết: “Tôi rất mừng khi đọc được thông cáo báo chí về Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Trần Văn Truyền. Từ một thanh niên “đào ngũ” mà trở thành Bộ trưởng, chạy giặc mà dám khai báo với tổ chức là bị thương rồi bỏ trốn. Những kẻ như vậy cần phải xử lí đúng quy định của Đảng và pháp luật, dân mới tin và gắn bó với Đảng hơn. Tôi và nhiều anh em cán bộ lão thành khác đang trông chờ, vì đây mới chỉ là kết luận trên giấy”.

Ông Phan Thanh Giảng, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cựu Giám đốc Sở Thương mại Bến Tre, 70 năm tuổi Đảng khẳng định: “Ba Truyền gian trá, xảo quyệt, nhà đất, tiền của mênh mông như thế mà thiếu trung thực, ông này không còn tư cách là đảng viên, cần xử lí nghiêm minh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới chỉ đề cập tới nhà, đất, còn chuyện mua chức quyền mà ông ta kí bổ nhiệm, nâng hàm cấp hơn 60 người trước khi nghỉ hưu thì chưa thấy Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề cập tới? Tôi lo nhất là xử lí kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Nếu cán bộ cấp cao nào cũng thế, thử hỏi đất nước còn gì, dân còn gì, dân sẽ tin vào đâu? Thật đau lòng ở một vùng đất có truyền thống cách mạng mà lại sinh sôi, nảy nở thứ hoa dại như vậy? Nếu không có bản lĩnh, nhiệt huyết, trí tuệ của những người cầm bút ở Báo Người cao tuổi, ý chí đấu tranh bảo vệ lẽ phải của ông Tổng Biên tập thì khó có thể tìm ra những con sâu dân mọt nước ấy. Tôi đề nghị Trung ương phải kịp thời khen thưởng Báo Người cao tuổi, con chim đầu đàn trong công tác chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng trong giới báo chí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét