Canhsat4sao Thật là mất sướng,mất hay,khi bài báo dưới đây sáng nay của Hoàng Nam trên báo Tiền phong còn nguyên vẹn.Thì trưa nay bỗng mất đi một đoạn nhạy cảm.Tôi đã gọi cho Hoàng Nam ở Quảng bình xem như thế nào thì Hoàng Nam vẫn đinh đóng cột là vân y chang...Nhưng thật sự đã bi cắt. Cũng may trên Dân Trí và báo viết đang còn. Dưới đây là bài viết đầy đủ của Hoàng Nam
Cảm ơn Hoàng Nam báo Tiền Phong
--------------------------------
Đỉnh điểm của sự vô tội vạ, là cách đây mấy năm, báo giới và dư luận ở Bắc Trung Bộ rộ lên, khi một gái làm tiền (cave) đã từng bị lập biên bản về hành vi bán dâm, bỗng dưng thành “phóng viên” dưới trướng văn phòng đại diện của một tờ báo.
“Để tình trạng nhà báo rởm tác oai, tác quái trong thời gian qua, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do nhận thức sai lệch về báo chí của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, thứ nữa là lỗi từ các tòa soạn và cuối cùng là sự buông lỏng, thậm chí không hiểu luật của các cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lí Nhà nước về báo chí ở địa phương” - một nhà báo kỳ cựu nhận định.
Hữu sinh vô dưỡng
Những năm gần đây do khó khăn về kinh tế khiến không ít tòa soạn cũng túng thiếu về tài chính. Để duy trì hoạt động của tờ báo mình, ngoài việc cắt giảm biên chế, tăng cường sử dụng bài vở cộng tác viên, các tòa soạn buộc phải tung ra nhiều nhân viên quảng cáo nhằm tạo nguồn thu. Tuy nhiên, để các cộng tác viên và nhân viên quảng cáo “hoạt động hiệu quả”, không ít tòa soạn liều mình bỏ qua các quy định của pháp luật, ký khống giấy giới thiệu với chức danh phóng viên.
Thậm chí có tòa soạn còn giao hẳn cả tập giấy giới thiệu cho trưởng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú ký giới thiệu vô tội vạ. Đỉnh điểm của sự vô tội vạ, là cách đây mấy năm, báo giới và dư luận ở Bắc Trung Bộ rộ lên, khi một gái làm tiền (cave) đã từng bị lập biên bản về hành vi bán dâm, bỗng dưng thành “phóng viên” dưới trướng văn phòng đại diện của một tờ báo. Sự xuất hiện của cave ở hầu hết các hội nghị lớn của địa phương khiến ai nhìn thấy cũng ngạc nhiên, bẽ bàng.
Một thực tế đang diễn ra là đa số cộng tác viên, nhân viên quảng cáo rất ít người có bằng cấp, họ là những người không có việc làm ổn định. Các tòa soạn chỉ cần cho họ cái danh “phóng viên”, mặc họ tự bơi, còn tòa soạn hưởng lợi từ bài vở, sản phẩm quảng cáo. Đối với những đối tượng này, hầu như các tòa soạn không ký hợp đồng, thu nhập chính của họ là từ nhuận bút bài vở và phần trăm quảng cáo. Thậm chí, có tòa soạn còn không trả nhuận bút, hoặc có trả nhưng trưởng văn phòng đại diện không chi trả lại cho cộng tác viên.
“Anh khỏe không? Em ở báo, tạp chí A, B, C. Hôm rồi em có ngồi với anh A, B, C ở bộ, sở... Ai cũng khen đơn vị anh, bảo cứ vào Quảng Bình là phải đến anh. À sắp tới có nguồn vốn... nếu anh cần để em nói với mấy anh ấy cho. À, báo em, tạp chí em đang có chuyên trang A, B, C anh đăng một bài cho hoành tráng nhé, chỉ dành riêng cho đơn vị anh thôi đấy” - một giám đốc đơn vị sự nghiệp trên địa bàn kể lại điệp khúc của những “phóng viên” quảng cáo.
|
Không lương bổng, không chịu sự quản lí của cơ quan đoàn thể, những đối tượng này bất chấp danh dự, nhân phẩm, pháp luật đi tác oai, tác quái khắp nơi.
Sau khi đọc loạt bài “loạn nhà báo rởm” trên Tiền Phong, rất nhiều đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp gọi điện cho PV Tiền Phong phản ánh tình trạng họ bị “nhà báo” quấy nhiễu.
Một giám đốc đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cho biết: Đơn vị ông suốt ngày tiếp các “nhà báo” đến trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại đề nghị làm quảng cáo. Họ có đầy đủ giấy giới thiệu phóng viên của các tòa soạn báo hoặc tạp chí, thậm chí còn kèm theo giấy giới thiệu của các bộ, sở ngành liên quan đề nghị phối hợp. Nếu đồng ý làm thì không sao, nhưng chỉ cần từ chối là y như rằng bị dọa nạt bằng các mối quan hệ liên quan với đơn vị, thậm chí dọa viết bài nói xấu đơn vị.
Một hiệu trưởng trường làng kể: Năm ngoái, sau siêu bão số 10, trường ông bị tan hoang, đang phải chạy vạy khắp nơi để gom từng gói mì tôm, từng chiếc bút, chiếc áo sờn cho các em học sinh thì có “nhà báo” đến. Họ yêu cầu mua sách về danh nhân, mỗi cuốn lên gần cả triệu đồng. Ông từ chối với lí do trường đang rất khó khăn sau bão lũ. Ngay lập tức “nhà báo” này dọa sẽ báo lên phòng giáo dục vì ông hiệu trưởng không tôn kính danh nhân, không xứng đáng làm nghề giáo.
Hầu như rất hiếm lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp đủ bản lĩnh để từ chối làm việc với các nhà báo rởm vì “nể” báo chí. Họ đã không phân biệt được đâu là báo chí chân chính và đâu là mạo danh. Họ nín nhịn vì nguyên lí “không ai nắm tay được cả ngày” và chấp nhận với những mặc cả vi phạm pháp luật.
Các tòa soạn cấp giấy giới thiệu vô tội vạ.
Cơ quan chức năng “sợ” nhà báo rởm
Mặc dù nạn nhà báo rởm ngang nhiên hoành hành ở Quảng Bình trong thời gian dài nhưng hầu như các cơ quan chức năng ở đây không hề có một động thái nào chấn chỉnh. Mới đây nhất, ngày 23/10/2014 khi không chịu nổi sự quấy nhiễu của những nhà báo rởm, Sở Giao thông vận tải Quảng Bình đã yều cầu Sở Thông tin và Truyền thông TT&TT và Công an PA83 đến xử lí.
Tuy nhiên, tại đây những người đại diện cơ quan chức năng đã rất lúng túng, không biết phải xử lí thế nào với nhà báo rởm Mai Xuân Hữu, khi người này xuất trình thẻ chứng nhận phóng viên do ông Phó Văn phòng đại diện của báo Văn Nghệ Trẻ ở Khánh Hòa ký.
Mặc dù những người đứng ra lập biên bản có ông Phạm Minh Hải, Phó GĐ Sở TT&TT, thượng tá Hoàng Văn Do, công an PA83 nhưng nội dung biên bản sai về thể thức, thậm chí thể hiện những người này không hiểu luật. Tiêu đề của biên bản ghi “biên bản làm việc” mà không nói rõ là làm việc gì. Trong hầu hết nội dung biên bản đều ghi chức danh của Hữu là phóng viên và nhẹ nhàng nhắc nhở “nhà báo” Hữu lần sau đi tác nghiệp nên mang đầy đủ giấy tờ.
Điều lạ là, khi nghe thông tin, PV Tiền Phong đã điện thoại xin hình ảnh của chiếc thẻ mà ông Hữu đang sử dụng để đăng báo nhằm cảnh báo cho mọi người được biết, không mắc lừa những nhà báo rởm, thì ông Hoàng Văn Do một mực từ chối vì “nhạy cảm”, sợ hệ lụy đến cá nhân ông.
Hay như vụ hai “nhà báo” Tầm Nhìn có giấy giới thiệu do TTT (cái gọi là Trưởng thường trú) Hồ Xuân Hoàng cấp, đến trình báo ở Công an huyện Quảng Ninh là bị quân nhà thầu Thanh Bình hành hung. Công an huyện Quảng Ninh đã buộc phải gửi công văn hỏi Sở TT&TT Quảng Bình, hai ông Hà Tuấn Vũ và Phan Văn Dụng có phải là phóng viên hay không. Thay vì trả lời ngay là không phải, Sở TT&TT lại gửi công văn này lên Bộ TT&TT để hỏi cho “chắc ăn” vì sợ hai “nhà báo” này kiện ngược nếu nói họ là không phải.
Nghiêm trọng hơn, có không ít nhà báo rởm ngang nhiên trưng bảng văn phòng đại diện, văn phòng thường trú ở những vị trí đắc địa trên địa bàn TP. Đồng Hới mà không hề bị xử lí. Đơn cử, ông Lê Phi Long, nhân viên của Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới, cộng tác viên của báo Lao Động với bút danh Linh Đan đã ngang nhiên dựng bảng, thành lập văn phòng thường trú của báo này trên đường Hữu Nghị. Trong ngày khai trương văn phòng, có không ít quan chức đến chúc mừng ông Long.
Sự kiện ông Long thành lập văn phòng đã được các nhà báo hoạt động trên địa bàn phản ảnh với Sở TT&TT. Nhưng sở này không dám đụng đến vì trong hồ sơ gửi xin thành lập văn phòng tại Sở TT&TT, ông Long được ông Lâm Chí Công, Trưởng văn phòng đại diện Bắc Trung bộ của báo Lao động giới thiệu là đặc phái viên của báo Lao Động. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Bình xin cho ông “từ từ để nghiên cứu luật cái đã” vì trường hợp ông Long đặc biệt, không thấy luật quy định.
Ông Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho biết: Lê Phi Long là nhân viên của khoa vi sinh. Ông Long làm cho báo Lao Động nhưng không hề báo cáo với tổ chức. “Vừa rồi có nhiều người phản ánh với tôi ông Long này cũng rất phức tạp. Tôi đang cho phòng Tổ chức - Hành chính kiểm tra lại giờ giấc của ông này làm việc tại bệnh viện. Tôi cũng không hiểu các cơ quan quản lí nhà nước về báo chí sao lại để ông Long thành lập văn phòng?” - ông Bình nói.
Hiện trên địa bàn Quảng Bình có 15 phóng viên và 6 cộng tác viên của các báo đăng ký tại Sở TT&TT. Tuy nhiên, trên thực tế đang có hơn chục người hoạt động báo chí ngoài luồng và họ được các cơ quan Nhà nước đối xử như những nhà báo chính danh khác. Ngay cả tại các hội nghị do Sở TT&TT tổ chức, mặc dù không được mời nhưng những người này vẫn đến tham dự và sở này luôn phải bổ sung tài liệu, chế độ dự họp mà không hề có sự nhắc nhở.
Theo Hoàng Nam
Tiền Phong
Nguồn : Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét