Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

"HỐI LỘ TÌNH DỤC" KHÓ CHỨNG MINH

"Nếu đưa hành vi “hối lộ tình dục” vào Bộ luật Hình sự thì có thể không khó. Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khó chứng minh tội phạm" - Luật sư Phạm Công Út bày tỏ quan điểm.
Tại hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật hình sự năm 1999, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, khẳng định chắc chắn có chuyện hối lộ bằng tình dục ở Việt Nam, vì thế nên bổ sung vào Bộ luật hình sự để ngăn chặn, xử lý.

PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Công Út, Giám đốc công ty luật Phạm Nghiêm về vấn đề này:
Thưa luật sư, Phó Trưởng Ban Nội Chính Trung ương đã khẳng định “Việt Nam chắc chắn có hối lộ tình dục”. Trước vấn đề này, ý kiến của luật sư như thế nào?
Trong các cơ quan nhà nước, những quan hệ dùng tình dục để nâng đỡ hoặc tiến thân vào các vị trí hoặc các chức danh tốt hơn không phải là không có. Cũng có những vụ việc mà kẻ đưa hối lộ là người cần được giải quyết một vấn đề nào đó từ người có chức vụ quyền hạn đã từng xảy ra. 
Mặc dù việc ấy khó chứng minh đó là hành vi hối lộ, mà người ta sẽ cho rằng hành vi đó chỉ là tình cảm để “chạy tội”. Do đó, khi điều luật không ghi nhận hành vi “hối lộ tình dục” thì cả hai, người đưa và kẻ nhận, sẽ chống chế cho rằng đó là tình cảm nam nữ.
Hơn nữa, hành vi “hối lộ tình dục” là vô hình, là phi vật chất. Do đó, để chứng minh là điều khó khăn.
Luật sư Phạm Công Út,  Giám đốc công ty luật Phạm Nghiêm 
Trước khi làm luật sư ông đã từng là thẩm phán. Vậy xin ông cho biết có vụ việc nào mà ông biết liên quan đến "hối lộ về tình dục" hay không?
Chuyện phòng the mà không có lời tố cáo của người đưa - kẻ nhận thì cũng chỉ bị xem là hành vi ngoại tình nếu một hoặc cả hai bên đều đã có gia đình.
Trước đây, trong ngành tòa án tại thành phố H cũng có xử lý kỷ luật một cán bộ tòa án bị đương sự là một phụ nữ tố cáo việc bị lợi dụng tình dục trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn. 
Ngoài ra, thông tin trên báo chí vẫn có đôi lần đưa tin về việc nữ nhân viên cấp dưới vào nhà nghỉ với “sếp” cùng cơ quan hoặc cơ quan cấp trên. Ví dụ, nữ kế toán TAND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước vào nhà nghỉ với thẩm phán TAND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Nhưng để kết luận đó là hành vi “hối lộ tình dục”  thì khó nếu không có lời tố cáo với các chứng cứ, chứng minh của một bên. Vì thế, phải chỉ được đích danh “dâm tang, gian chứng” thì việc xử lý loại tội phạm này mới thuyết phục.
Vậy ông nghĩ sao về hành vi “hối lộ tình dục” cho cấp trên để thăng tiến?
Đây là hành vi dễ nhận thấy, dễ phát hiện nhất. Tuy nhiên, về mặt chủ quan thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khó chứng minh về ý thức chủ quan là “cố ý” trong việc đưa hối lộ bằng tình dục nếu không có lời thừa nhận của một hoặc cả hai bên. 
Vì nếu bên đưa “cống nạp” một cô gái cho một người đàn ông có chức vụ quyền hạn thì thông thường vẫn được xem là mai mối để che đậy hành vi đưa hối lộ bằng tình dục. Nhưng nếu có chứng cứ chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật ấy thì sẽ ngăn chặn được sự tha hóa của một bộ phận cán bộ công chức đương quyền.
Một kiểu hối lộ tình dục (ảnh minh họa, nguồn Internet)
Nếu một người nào đó ở trong cơ quan mà quay được video clip "cấp dưới quan hệ tình dục với cấp trên" mà lại làm rõ được có lợi ích là để được giao việc “ngon”, vị trí chức vụ "béo bở", có thể coi đó là hối lộ tình dục hay không?
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nên chỉ khi nào một bên dùng tình dục để hối lộ nhằm làm nguy hại cho xã hội mới bị xem là hối lộ tình dục. Nên với ví dụ này có thể xem là hành vi nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào hậu quả của hành vi đó nữa.
Ông có nghĩ là nên đưa "hối lộ tình dục" vào hành vi hối lộ trong Bộ Luật hình sự hay không?
“Hối lộ tình dục” là khái niệm mới về khoa học hình sự ở nước ta nhưng vốn đã cũ ở các nước phát triển. Đó là điều luật mang tính nhân văn, vì nếu có điều luật ấy thì không chỉ bảo đảm sự công bằng trong việc tiến thân do năng lực, hoặc uy tín của cán bộ công chức nhà nước mà còn bảo vệ được hạnh phúc gia đình của hai bên khi người nào đó có hành vi đưa hoặc nhận “hối lộ tình dục” ấy.
Theo ông, tại sao nước ngoài lại áp dụng được mà ta lại khó áp dụng?
Do vấn đề về văn hóa, tập quán xã hội và sự phát triển ở mỗi quốc gia có sự khác biệt nên không phải tất cả các quốc gia đều đồng loạt có một đạo luật chung giống nhau. Nhưng với sự phát triển về kinh tế, xã hội ở nước ta như hiện nay thì tội danh “hối lộ tình dục” cần được sớm luật hóa.
Nếu đưa vào nhìn từ góc độ "tư duy lập pháp" có vấn đề gì vướng không?
Theo tôi, nếu luật hóa hành vi “hối lộ tình dục" thì không thể gặp vướng mắc gì đâu, mà có thể còn rõ hơn thay vì những quy định mơ hồ như “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” trong một số tội phạm về chức vụ của Bộ luật hình sự hiện hành. 
Đồng thời, nếu có tội danh “hối lộ tình dục” sẽ  giải tỏa cho vướng mắc của tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” như  hiện nay, vì hai tội danh này hiện nay chỉ được áp dụng cho của hối lộ là tiền bạc hoặc lợi ích vật chất chứ không quy định đối tượng đưa, nhận hối lộ ở dạng phi vật chất như tình dục.
Theo luật sư, nếu vướng cần phải làm thế nào để đưa hành vi "hối lộ tình dục" vào trong luật?
Tôi cho rằng, nếu đưa hành vi “hối lộ tình dục” vào Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung thì có thể không khó. Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khó chứng minh tội phạm khi điều luật này đã được luật hóa, mà không thực thi được thì điều luật ấy dễ trở thành “đạo luật chết”.
Vậy có nghĩa là chưa nên đưa hành vi hối lộ tình dục vào luật vì sợ rằng sẽ trở thành “đạo luật chết”?
Ngược lại, theo tôi thì đây là một điều rất cần thiết, cần đưa hành vi “hối lộ tình dục” vào luật. Tuy nhiên bên cạnh việc “luật hóa” hành vi hối lộ tình dục còn phải xây dựng cơ chế để thực hiện nó.
Cảm ơn luật sư!
Theo : infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét